

SOLSE đã trở thành sợi kết nối khó tin như thế nào?
[Bài dự thi “Sẻ chia kỷ niệm ĐẦU TIÊN khi ‘gặp gỡ’ Phô mai Hun khói SOLSE”]
Trong tủ lạnh nhà tôi, lúc nào cũng có một vài cuộn Phô mai Hun khói SOLSE.
Phần vì tôi rất mê món này, và phần vì nó đã gói ghém trong mình kỷ niệm quá lớn về một người từng khiến trái tim tôi ấm lên giữa lúc cả thành phố đóng băng…
Câu chuyện bắt đầu từ bốn năm trước.
Lúc đó, tôi mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp, chưa nghề ngỗng gì thì đại dịch Covid-19 tràn đến, tôi bị kẹt lại Hà Nội trong những ngày thành phố đóng cửa.
Tôi không chuẩn bị gì nhiều. Chỉ kịp mua một thùng mì tôm, nghĩ rằng cách ly chỉ kéo dài đôi ba hôm. Nhưng khi mọi thứ bị khóa chặt, tôi mới biết mình đã bị mắc kẹt thật sự. Mì tôm nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh.
Bình thường, tôi là một người rất “tự trọng”, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó, tôi lại có can đảm gửi một tin trong nhóm chung của khu trọ để cầu cứu và… xin đồ ăn; dù tôi thừa biết, mọi người đã về quê hoặc đang nằm yên trong khu cách ly nào đó.
Và chính giờ phút đó, người ấy đã xuất hiện: “Tôi còn phô mai hun khói, bò khô, xúc xích. Nhưng đang thiếu mì tôm. Bạn có muốn đổi không?”.
Đó là anh chàng cuối dãy trọ. Một người cũng… hơi hơi đẹp trai, hay đeo tai nghe, và hiếm khi cười. Tôi chưa từng bắt chuyện với anh, phần vì thấy người này mặt nghiêm quá.
Anh mang cho tôi một thứ mà tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ: Phô mai Hun khói SOLSE.
“Thử đi. Phô mai SOLSE đấy. Món ngon nhất mình có”.
Đó cũng là lần đầu tiên, tôi được ăn phô mai hun khói. Anh hướng dẫn tôi làm mì trộn với phô mai. Và trời ơi… ngon thật.
Mì tôm tưởng chừng chán ngán, bỗng có hương vị khác hẳn. Cái béo mặn của phô mai hòa cùng cái cay nồng của gia vị gói nhỏ. Cảm giác như tìm được một công thức bí mật trong những ngày chật vật nhất. Đó là hương vị “lần đầu” mà mãi mãi tôi không thể nào quên.
Sau lần đó, chúng tôi bắt đầu “đổi chác” thường xuyên hơn. Từ “đổi chác”, chúng tôi “chia sẻ”. Có phiếu đi chợ, hai đứa lại nhắn tin rủ nhau mua gì thì chia đôi, nấu gì thì cùng góp.
Bữa ăn nghèo nàn dần có tiếng cười, rồi cả những câu chuyện không đầu không cuối của hai kẻ cô đơn còn lại của xóm trọ. Anh kể về con mèo tên “Cơm” ở quê, rất khôn, biết nhảy lên mở cửa bằng chân. Tôi kể về giấc mơ làm nhà văn – ước mơ nghe có vẻ xa xỉ trong những ngày dịch dã. Chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện chẳng ai hỏi, cứ thế lặng lẽ đồng hành.
Không ai gọi tên mối quan hệ đó là gì, nhưng tôi biết, chỉ trong thời gian rất ngắn, tôi đã phải lòng anh. Có lẽ, anh cũng thích tôi. Có lẽ là vậy.
Rồi thời gian giãn cách kết thúc. Thành phố bật dậy khỏi cơn ngủ dài, và chúng tôi trở về cuộc sống bình thường. Tôi nghĩ, đây sẽ là lúc mọi chuyện rõ ràng, nhưng anh lại phải về quê vì việc gia đình. Anh ra đi không lời hứa hẹn. Tin nhắn từ anh thưa dần. Tôi không trách. Chỉ là thấy… hụt hẫng, giống như mở một cuốn truyện hay, đọc đến giữa thì mất đi loạt trang cuối.
Cứ thế, tôi mang theo câu hỏi lớn về anh trong suốt ba năm.
Đúng vậy, phải ba năm sau, anh mới chủ động gọi lại cho tôi. Vẫn là giọng nói trầm ấm ấy, chỉ là hỏi thăm thông thường mà cũng khiến tim tôi loạn nhịp.
“Tự nhiên gọi thế này… Anh đừng nói là mời cưới nhé?”, không hiểu sao, tôi lại bật ra câu hỏi ngu ngốc đến vậy.
“Ừ. Cô dâu mong gặp em lắm”.
Tôi chết lặng.
“Ai vậy?”
“Ngọc Minh. Minh bảo anh nhất định phải mời được em nếu không sẽ giận anh mất”.
Ngọc Minh. Cô gái từng sống cùng xóm trọ với chúng tôi. Cô gái có mái tóc dài và đôi mắt đen láy. Cô gái mà tôi từng thoáng nghĩ, có lẽ anh cũng có chút cảm tình.
Tôi bật cười. Hóa ra, tình cảm ba năm trước chỉ là do tôi tưởng tượng. Tôi quyết định đi đám cưới. Không vì ai khác, mà vì chính mình – để kết thúc những vương vấn còn dang dở.
Ngày cưới, tôi bước vào sảnh tiệc với một trái tim nặng trịch.
Ngọc Minh rạng rỡ trong chiếc váy cưới trắng muốt.
Nhưng rồi, điều khiến tôi sững sờ không phải là cô ấy… mà là chú rể. Một người hoàn toàn xa lạ. Anh không phải chú rể sao???
- Chú rể là anh họ anh. Anh làm mối cho Ngọc Minh đó.
- Anh… không cưới?
- Không. Anh đến đây để gặp em.
Tôi như vỡ oà. Hóa ra, đây vẫn chưa phải là một câu chuyện dang dở.
Anh kể, sau biến cố của gia đình năm đó, anh đã phải vào Nam ra Bắc, lăn lộn kiếm sống, trả nợ và chăm sóc gia đình. Những ngày nhắn tin thưa dần không phải vì anh quên, mà vì anh nghĩ mình chẳng có gì trong tay để giữ lại một điều gì cả.
Bây giờ thì anh đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình, nhưng anh vẫn không dám liên lạc lại với tôi. Vì anh thấy có lỗi. Anh sợ tôi đã quên.
Phải đến đám cưới của Ngọc Minh, anh mới có đủ lý do và can đảm để gặp lại, để giải thích, để tạo ra một cơ hội mà lẽ ra chúng tôi đã có từ rất lâu.
—-
Đó là câu chuyện của tôi, giải thích tại sao trong tủ lạnh nhà tôi luôn có Phô mai Hun khói SOLSE.
Bởi cuộn phô mai hình bím tóc ấy đã gắn liền với những ngày tháng khó quên về một mùa giãn cách dài, về những cuộc trao đổi ngô nghê giữa hành lang khu trọ, về một tình cảm không có lời tỏ tình, chỉ bắt đầu bằng một câu hỏi giản dị: “Đổi không?”.
Và tôi đã đổi. Để rồi được nhận lại… cả một cuộc đời. Cảm ơn SOLSE!
(Câu chuyện của chị Thảo Đặng, 29 tuổi, sống tại Thái Bình)
Biên tập: Trang Quỳnh – Trung tâm Truyền thông, Tập đoàn Nguyễn Hồng
Post a Comments Cancel reply
Bài viết thú vị
-
Tháng 3 30
Sự hấp tấp đã suýt hại… SOLSE và tôi